Bối cảnh Nam Hải phong vân

Cuối thập niên 1960, Trung Quốc lao vào một cuộc Cách mạng Văn hóa. Tứ nhân bang lúc đó đang nổi lên giành ảnh hưởng. Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, lúc đó muốn sử dụng tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) để kích động quần chúng. Năm 1970, bà từng đến đảo Hải Nam rồi ra lệnh tấn công các đảo mà quân lực Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ, tuy nhiên lệnh bà không được chấp hành vì bà không có quyền.[4]

Ngay sau cuộc hải chiến năm 1974, Giang Thanh đã lợi dụng cơ hội để tuyên truyền chính trị với người dân trong nước, đồng thời đánh bóng tên tuổi mình.[5] Trên cương vị lãnh đạo bộ phận tuyên truyền nhà nước,[6] bà đã chỉ thị tuyên truyền rằng Tây Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.[7] Bà đã cử Trương Vĩnh Mai đến quần đảo để chào đón các quân nhân đang đóng trên đảo; Trương cũng viết bài thơ "Tây Sa chi chiến" (tiếng Trung: 西沙之战; nghĩa đen: "Cuộc chiến Tây Sa") nhằm đề cao vai trò của Giang.[5][8] Bà cũng yêu cầu nhà văn Hạo Nhiên viết tiểu thuyết Tây Sa nhi nữ (tiếng Trung: 西沙儿女; nghĩa đen: "Trai gái Tây Sa") một phần nói về xung đột trên quần đảo, với một đoạn được Bộ trưởng Văn hóa Vu Hội Vịnh yêu cầu đưa vào nhằm đề cao vai trò của Giang Thanh.[9][5][8] Bà cũng cho tổ chức một cuộc triển lãm nhiếp ảnh hình ảnh trên đảo.[7][5] Bộ phim Nam Hải phong vân cũng ra đời trong một phần của nỗ lực này. Vào thời điểm này, phần lớn các tác phẩm và bài báo của Trung Quốc nói về tranh chấp biển đảo đều hướng về khán giả và độc giả trong nước, do lúc đó Trung Quốc chưa muốn làm lớn chuyện tranh chấp trên phương diện quốc tế — theo Trung Quốc vào lúc đó chính quyền Hà Nội đang công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo.[5]

Trong suốt 10 năm thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), chỉ có khoảng 70 bộ phim được phát hành tại Trung Quốc, trong đó hơn một nửa (36) là phim từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em (Albania, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Trong số còn lại 6 phim là phim làm lại, và 12 liên quan đến các ca kịch cách mạng.[10] Số phim nguyên tác do Trung Quốc sản xuất trong thời kỳ này rất hiếm và chịu rất nhiều chi phối từ Tứ nhân bang.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nam Hải phong vân http://navy.81.cn/content/2019-06/18/content_95332... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://politics.people.com.cn/n/2012/0725/c14562-1... http://www.ccsa.cdut.edu.cn/info/1023/1811.htm http://www.lg.gov.cn/bmzz/ysjdb/shjs/djgz/content/... http://www.sansha.gov.cn/sansha/sstx/201810/5af5a0... http://www.sansha.gov.cn/sansha/ssxfang/201404/4d1... http://www.sansha.gov.cn/sansha/sysdt/201909/f7aee... http://baike.baidu.com/view/927106.htm